Đại hội thành lập Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam nhiệm kỳ I (2023 – 2028)
Ngày 08/8/2023, tại Hội trường tầng 3, Nhà khách Chính phủ (số 8, Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam nhiệm kỳ I (2023 – 2028). Đại hội thành lập Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam đã đặt dấu mốc quan trọng trong việc hình thành một tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động trong cả lĩnh vực sinh học phân tử như xác định các đột biến di truyền, các đột biến gen,… và miễn dịch chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác bằng các thuốc miễn dịch, các liệu pháp miễn dịch tế bào, cũng như bằng các phương pháp điều trị khác góp phần nâng cao công tác miễn dịch trị liệu ung thư ở Việt Nam nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đại hội với sự tham gia của hơn 100 khách mời là đại diện các Bộ, ban ngành, các cán bộ, các nhà khoa học, các thầy thuốc, nhân viên y tế của các bệnh viện, các trường đại học, các viện nghiên cứu, trung tâm, các tổ chức, các cơ quan liên quan khác ở trong nước và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực miễn dịch và ung thư.
Hiện nay, Ung thư là vấn đề sức khỏe hàng đầu cho con người trên toàn cầu. Căn bệnh khó này là gánh nặng sức khỏe và y tế ở nước ta, cho tới những năm đầu thế kỷ 21 các biện pháp cơ bản vẫn là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị nhưng cũng chỉ là cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong do căn bệnh quái ác này. Ý tưởng dùng chính hệ thống miễn dịch của bản thân người bệnh để chống lại các tế bào ung thư đã có từ lâu, nhưng chỉ đến khi có những hiểu biết mới về đáp ứng miễn dịch, có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, những phát minh ra các khâu then chốt trong đáp ứng miễn dịch bảo vệ cơ thể chống tác nhân gây bệnh trong đó có tế bào ung thư, ý tưởng này mới trở thành hiện thực.
Ở các nước phát triển, miễn dịch trị liệu ung thư đã trở thành biện pháp điều trị trụ cột thứ tư cùng với phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
Ở Việt Nam, những năm gần đây, phương pháp điều trị miễn dịch cho các bệnh nhân ung thư đã được áp dụng ở một số Bệnh viện, Viện nghiên cứu,…đã được các bác sĩ, nhân viên y tế ngành ung thư và nhân dân tích cực đón nhận.
Để sớm đưa biện pháp miễn dịch trị liệu ung thư vào triển khai thành biện pháp điều trị trụ cột thứ tư tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc hình thành một tổ chức góp phần tập hợp, gắn kết chặt chẽ, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các nhà miễn dịch và các nhà ung thư là nhu cầu cấp thiết. Sau quá trình hơn 9 tháng vận động thành lập, ngày 06/7/2023 Bộ Nội vụ đã ký quyết định số 479/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam.
Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam là một tổ chức tự nguyện gồm pháp nhân và công dân Việt Nam, là những chuyên gia về miễn dịch nói chung và chuyên gia về miễn dịch ung thư nói riêng và những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến miễn dịch trị liệu ung thư. Hội làm nhiệm vụ ngoài việc tập hợp đoàn kết hội viên giúp đỡ nhau phát huy trí tuệ tài năng, nâng cao trình độ chuyên môn đạo đức nghề nghiệp, Hội còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, đào tạo lại và đào tạo liên tục cho hệ thống bác sĩ và nhân viên y tế chuyên ngành những kiến thức liên quan đến miễn dịch trị liệu ung thư; thúc đẩy việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cần thiết nằm đáp ứng công tác chẩn đoán và ra quyết định điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch.
Mở đầu Đại hội, Đại diện Bộ Nội vụ đã trao Quyết định thành lập cho Trưởng ban vận động thành lập GS.TS.VS Phạm Văn Thức và công bố Quyết định thành lập trước toàn thể Đại hội.
Tại Đại hội, các đại biểu đã nghiêm túc và tập trung cùng thảo luận và nhất trí thông qua Điều lệ và Phương hướng hoạt động của Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam nhiệm kỳ I (2023 – 2028) với các nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển, cập nhật, triển khai, ứng dụng các lĩnh vực chuyên môn Y dược tiên tiến, hiện đại nói chung và chuyên khoa miễn dịch trị liệu ung thư nói riêng trên toàn quốc, bao gồm cả lĩnh vực sinh phân tử và miễn dịch điều trị. Từ đó, tiệm cận về sự phát triển với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Đại hội thành lập đã bầu ra 40 đồng chí Ban Chấp hành, 05 đồng chí Ban Kiểm tra và Trưởng ban Kiểm tra. Nhất trí thông qua Ban Khoa học và đào tạo gồm 24 đồng chí, Ban Đối ngoại gồm 11 đồng chí và Ban Tài chính gồm 11 đồng chí.
Ngay sau Đại hội thành lập, Ban Chấp hành Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam nhiệm kỳ I (2023 – 2028) đã tiến hành họp phiên thứ Nhất và bầu ra Ban Thường vụ Hội gồm 17 đồng chí. Ban Chấp hành cũng đã tiến hành bầu ra Chủ tịch Hội là GS.TS.VS Phạm Văn Thức và 09 Phó Chủ tịch lãnh đạo Hội bao gồm: TS Nguyễn Thanh Đạm, Phó Chủ tịch thường trực; ThS.DS Hoàng Trọng Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký; GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn & đào tạo, Trưởng ban Khoa học & Đào tạo; PGS.TS Hà Phan Hải An, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại; PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Chủ tịch, Phó Trưởng Ban Khoa học; PGS.TS Lê Minh Quang, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông; PGS.TS Lê Văn Đông, Phó Chủ tịch phụ trách Khoa học & Kỹ thuật, Phó trưởng ban Khoa học; TS.BS Võ Văn Kha, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển miễn dịch trị liệu ung thư Miền Tây Nam Bộ; DSCK2 Trần Tựu, Phó Chủ tịch phụ trách cung ứng, sản xuất thuốc và các sản phẩm hỗ trợ.
Tân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ban Thường vụ Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam nhiệm kỳ I (2023 – 2028) ra mắt toàn thể Đại hội.
Đại diện Bộ Nội vụ tặng hoa chúc mừng Tân Chủ tịch Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam nhiệm kỳ I (2023 – 2028) GS.TS.VS Phạm Văn Thức
Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra và các Ban Khoa học và Đào tạo, Đối ngoại và Tài chính ra mắt toàn thể Đại hội.
Một số hình ảnh tại Đại hội: