Case lâm sàng: Điều trị bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn muộn tại Bệnh viện Bạch Mai
GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, ThS.BS. Lê Văn Long.
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai
Trong các loại ung thư đường tiêu hoá, thì ung thư đại trực tràng là loại ung thư có liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: chế độ ăn ít rau, nhiều chất béo, mắc các bệnh lý đại – trực tràng (viêm loét mạn tính, polyp, bệnh Crohn, bệnh đa polyp đại trực tràng)…. Bệnh nếu được chẩn đoán sớm thì tiên lượng tốt, có thể khỏi bệnh hoàn toàn, do vậy việc sàng lọc, chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng. Chẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng. Khi bệnh ở giai đoạn sớm phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Các phương pháp: hóa trị, điều trị đích trong bệnh ung thư đại trực tràng thường được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, có di căn. Phối hợp thuốc điều trị đích ( Bevacizumab, Cetuximab…), miễn dịch (Pembrolizumab) với hóa trị góp phần cải thiện thời gian sống thêm cũng như chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn.
Dưới đây là trường hợp người bệnh ung thư đại tràng giai đoạn muộn (di căn gan, di căn tuyến thượng thận) được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Họ tên bệnh nhân: Đ. Đ. L Nam 77 tuổi
Địa chỉ: Hà Nội
Thời gian vào viện: tháng 6/2023
Lý do vào viện: Đau bụng
Bệnh sử: Cách viện 2 tuần, bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ quanh rốn kèm theo có chướng bụng, ăn uống kém, sụt 6kg trong 1 tháng, bệnh nhân có dùng thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Khoảng 1 ngày trước khi vào viện bệnh nhân xuất hiện đau bụng, đau ngày một tăng dần, kèm theo có bí trung đại tiện, bệnh nhân đi khám và nhập viện tại Trung tâm Cấp cứu A9 được chẩn đoán: Tắc ruột do u đại tràng góc lách / U gan đa ổ, được phẫu thuật cấp cứu cắt đoạn đại tràng mang u, làm hậu môn nhân tạo trên u. Sau mổ bệnh nhân ổn định chuyển Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu điều trị tiếp.
Tiền sử: Chưa phát hiện bất thường
Khám toàn thân lúc vào viện:
– Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt
– Thể trạng trung bình, chiều cao: 158cm, cân nặng: 58kg
– Mạch: 79 lần/phút, Huyết áp: 130/80 mmHg
– Tuyến giáp không to, hạch ngoại vi không sờ thấy
– Da, niêm mạc kém hồng, lông tóc thưa, móng bình thường
– Phổi rì rào phế nang rõ, không ran
– Nhịp tim đều, T1, T2 rõ không có tiếng bệnh lý
– Bụng mềm, Gan lách không sờ thấy
– Đại tiện qua hậu môn nhân tạo
– Vết mổ: liền tốt
Các xét nghiệm cận lâm sàng:
Xét nghiệm: công thức máu, chức năng gan thận, FT4, TSH, Troponin Ths, điện giải đồ trong giới hạn bình thường, HIV âm tính, HBsAg âm tính
Xét nghiệm chất chỉ điểm u:
- CEA: 50,24 (ng/ml) (tăng)
Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng
Hình 1: Hình ảnh u gan đa ổ (vòng tròn màu đỏ), u tuyến thượng thận phải (vòng tròn màu vàng) theo dõi thứ phát. Nang thận 2 bên (vòng tròn màu xanh).
Kết quả mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến biệt hóa thấp.
Xét nghiệm đột biến gen KRAS: Phát hiện đột biến trên codon 12, 13 trên exon 2 gen KRAS.
Chẩn đoán xác định: Ung thư đại tràng trái di căn gan đa ổ, di căn tuyến thượng thận phải có biến chứng tắc ruột đã phẫu thuật.
Mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến biệt hóa thấp.
Giai đoạn: T4N3M1 (giai đoạn IV).
Điều trị:
Bệnh nhân được hội chẩn hội đồng, chỉ định điều trị hoá trị bổ trợ với phác đồ Folfox4- Bevacizumab
+ Oxaliplatin 85 mg/m2, truyền tĩnh mạch, ngày 1
+ 5 – FU 400 mg/m2, tiêm tĩnh mạch ngày 1,2
+ 5- FU 600 mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 22 giờ, ngày 1, 2
+ Leucovorin 200 mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 2
+ Bevacizumab 5 -15 mg/ kg, truyền tĩnh mạch ngày 1
Chu kỳ điều trị 14 ngày
Đánh giá kết quả sau 5 đợt điều trị hóa chất
Bệnh nhân tỉnh
Thể trạng tốt, tăng 3kg
Sinh hoạt bình thường
Không đau bụng. Không còn rối loạn tiêu hóa.
Chất chỉ điểm ung thư CEA: 26,01 ng/ml (Cao)
Bảng 1: So sánh kết quả điều trị của bệnh nhân trước và sau điều trị 5 đợt:
Trước điều trị | Sau điều trị 5 chu kì | |
Lâm sàng |
– Đau bụng, chướng bụng
– Ăn uống kém – Sụt 6kg/tháng
|
– Thể trạng tốt
– Không đau bụng, không còn rối loạn tiêu hóa – Tăng 3kg/tháng |
Xét nghiệm chất chỉ điểm u | – CEA: 50,24 ng/ml | – CEA : 26,01 ng/ml |
Hình ảnh cắt lớp vi tính ổ bụng |
Hình ảnh u gan đa ổ kích thước lớn | Hình ảnh Chỉ còn 1 ổ tổn thương gan đã giảm kích thước so với trước |
Tóm lại:
Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn muộn có biến chứng tắc ruột. Đang được điều trị hóa trị bổ trợ, bệnh đáp ứng một phần. Hy vọng bệnh nhân sẽ có kết quả điều trị ổn định trong thời gian tới.
Hướng điều trị: tiếp tục điều trị bổ trợ phác đồ Folfox 4- Bevacizumab.