Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn được điều trị ổn định bệnh 6 năm tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, GS.TS. Mai Trọng Khoa, BSNT Phạm Minh Lanh, BSNT Nguyễn Thúy Nga
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai
Những năm gần đây, đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn được đưa vào điều trị cho bệnh nhân như điều trị miễn dịch, điều trị đích với nhiều đích tác dụng như thụ thể yếu tố phát triển biểu mô (EGFR), ALK, ROS1… Tuy những thuốc TKIs thế hệ I dù đã được đưa vào điều trị từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn có nhiều vai trò trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ. Chúng tôi xin báo cáo một trường hợp ca lâm sàng ung thư phổi giai đoạn muộn được điều trị với thuốc TKIs thế hệ I từ năm 2017 đến nay và đạt ổn định bệnh.
Bệnh nhân nữ, 72 tuổi
Bệnh nhân nhập viện tháng 6 năm 2017.
Lý do vào viện: đau ngực trái âm ỉ kéo dài, gầy sút 8kg, không ho không khó thở kéo dài 6 tháng.
Khám lâm sàng thời điểm vào viện:
Bệnh nhân tỉnh, không sốt.
Huyết động ổn định.
Tim đều, nhịp tim 70 lần/phút, tiếng tim rõ, không phát hiện tiếng bệnh lý.
Phổi rì rào phế nang hai phổi nghe rõ, không có ran
Xét nghiệm cận lâm sàng:
Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu trong giới hạn bình thường, chỉ điểm u CEA, Cyfra 21-1 không tăng.
Xét nghiệm điện tâm đồ, siêu âm tim bình thường, không có dấu hiệu thiếu máu cơ tim.
Cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện: hình ảnh khối u thùy trên phổi trái kích thước 20×15 mm, bờ tua gai, xâm lấn rãnh liên thùy, kèm theo các nốt mờ rải rác hai phổi kích thước 5 -10mm, bờ tròn đều dạng tổn thương thứ phát và hạch rốn phổi trái kích thước 10mm. (hình 1)
Hình 1. Hình ảnh cắt lớp vi tính lồng ngực tháng 6 năm 2017 khối u thùy trên phổi phải xâm lấn rãnh liên thùy (mũi tên).
Sinh thiết xuyên thành ngực tổn thương u phổi trái cho kết quả mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến. Xét nghiệm đột biến gen có đột biến EGFR xóa đoạn exon 19
Đánh giá tiếp về các vị trí di căn xa khác bằng PET/CT, cộng hưởng từ não đều không phát hiện thêm tổn thương thứ phát khác ngoài phổi. (hình 2)
Hình 2. Hình ảnh PET/CT tổn thương thùy trên phổi trái tăng hấp thu FDG (mũi tên).
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định: Ung thư phổi trái dạng biểu mô tuyến T4N1M1 (di căn phổi) có đột biến EGFR.
Sau khi hội chẩn hội đồng chuyên môn, bệnh nhân đã được điều trị với thuốc erlotinib 150mg đường uống mỗi ngày.
Sau 6 tháng điều trị, triệu chứng đau ngực giảm dần, bệnh nhân dung nạp thuốc được, tác dụng phụ chủ yếu là ban da dạng chấm, kèm theo mụn vùng đầu và vùng sinh dục, tác dụng phụ này dự đoán đáp ứng tốt với thuốc. Điều này được khẳng định trên kết quả chụp cắt lớp vi tính sau 6 tháng điều trị cho thấy khối u đáp ứng chuyển thành tổn thương xơ hóa ngấm thuốc kém sau tiêm.
Hình 3. Hình ảnh phim cắt lớp vi tính tháng 12 năm 2017 tổn thương xơ hóa sau điều trị (mũi tên).
Bệnh nhân và bác sĩ tiếp tục kiên trì điều trị với erlotinib đến thời điểm đánh giá lại tháng 5 năm 2023, sau 6 năm điều trị bệnh nhân vẫn đáp ứng rất tốt, không đau ngực, không khó thở, chỉ điểm khối u CEA và Cyfra 21-1 duy trì ở mức bình thường, ban da và mụn cũng giảm hơn so với giai đoạn ban đầu.
Đánh giá khách quan bằng cắt lớp vi tính ngực – bụng và cộng hưởng từ sọ não không có thêm tổn thương mới. Tổn thương xơ hóa tại vị trí u cũ co kéo rãnh liên thùy gây giãn khu trú các nhánh phế quản bên trong và liền kề tuy nhiên không ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và cũng không gây triệu chứng lâm sàng cho bệnh nhân.
Hình 4. Hình ảnh cắt lớp vi tính theo dõi trong quá trình điều trị, tổn thương xơ hóa tại vị trí u cũ (mũi tên xanh) và giãn khu trú các nhánh phế quản liền kề (mũi tên vàng)
Như vậy, trên đây là một trường hợp đáp ứng với thuốc điều trị đích với thời gian đến 6 năm và đến nay, bệnh nhân vẫn tiếp tục tuân thủ điều trị. Thuốc điều trị đích ngày càng được ứng dụng điều trị trong ung thư phổi với cả giai đoạn sớm và giai đoạn muộn, đem lại lợi ích cả về kéo dài thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.