Case lâm sàng: Điều trị bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
GS.TS. Mai Trọng Khoa 1,2, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương 1,2, BSNT. Phạm Minh Lanh 1,
SV. Trịnh Trân Bảo 2
1: Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
2: Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội
Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân ung thư gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo báo cáo năm 2020 của Globocan, mỗi năm Việt Nam ước tính có khoảng 26 nghìn người phát hiện ung thư phổi và gần 24 nghìn trường hợp tử vong do căn bệnh. Như vậy, ung thư phổi đang đứng thứ hai về cả số ca mắc mới lẫn số ca tử vong hàng năm ở nước ta. [1]
Ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non-Small Cell Lung Cancer – NSCLC) là một nhánh phổ biến của ung thư phổi, chiếm đến 85% [2]. Dù được coi là có tiên lượng tốt hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ, căn bệnh này vẫn là một mối nguy tiềm tàng khi thường tiến triển âm thầm, nghèo nàn triệu chứng lâm sàng.
Gần đây các nghiên cứu đã chỉ ra một số gen liên quan đến tiên lượng và hướng điều trị đối với bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ như EGFR, ALK, ROS1…. Hiện nay đã có nhiều phác đồ điều trị đích hướng tới nhóm bệnh nhân có đột biến tại những gen này đem lại hiệu quả khả quan với kỳ vọng sống cao cho các bệnh nhân. [3]
Sau đây chúng tôi xin báo cáo một trường hợp lâm sàng bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ được điều trị với thuốc phân tử nhỏ (Tyrosine Kinase Inhibitors – TKIs) thế hệ II đạt đáp ứng tốt.
Trường hợp bệnh nhân nam, 70 tuổi, tiền sử tăng huyết áp điều trị không thường xuyên. Năm 2021 bệnh nhân xuất hiện đau khu trú ngực phải tăng dần kèm ho, không sốt, không rõ khó thở, đi khám tại bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện ở thùy trên phổi phải có nốt đặc kích thước 17 x 14mm, bờ tua gai co kéo nhu mô phổi xung quanh, hạch cạnh phế quản và dưới carina.
Hình 1. Hình ảnh khối u thùy trên phổi phải kích thước 17 x 14mm (mũi tên màu đỏ). Hạch cạnh phế quản kích thước và hạch dưới carina kích thước (vòng tròn màu đỏ)
Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u cho kết quả CEA là 7,24 ng/ml, tăng nhẹ so với ngưỡng bình thường (< 4,3 ng/ml).
Bệnh nhân được sinh thiết xuyên thành ngực dưới sự hướng dẫn của cắt lớp vi tính cho kết quả giải phẫu bệnh: Ung thư biểu mô tuyến. Xét nghiệm gen EGFR phát hiện đột biến xóa đoạn trên exon 19, không phát hiện đột biến T790M.
Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ sọ não, cắt lớp ổ bụng, siêu âm vùng cổ đánh giá di căn xa: phát hiện thấy có hình ảnh hạch cổ trái nhóm III kích thước lớn nhất 4 x 9mm, vài hạch cổ phải nhóm III kích thước lớn nhất 5 x 9mm, không rõ cấu trúc rốn hạch.
Chẩn đoán: Ung thư phổi phải tế bào nhỏ T1N2M1: ung thư biểu mô tế bào tuyến EGFR (+) di căn hạch cổ.
Với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IV có đột biến gen EGFR, liệu pháp điều trị đích là phương pháp điều trị tối ưu theo các hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế cũng như các hiệp hội ung thư trên thế giới. Điều trị đích kháng EGFR có nhiều loại thuốc từ thế hệ I đến thế hệ III với hiệu quả, tác dụng phụ và chi phí khác nhau. Sau khi hội chẩn,bệnh nhân được chỉ định điều trị thuốc TKIs thế hệ 2, cụ thể là Afatinib liều 40mg/ngày.
Sau 30 tháng điều trị, bệnh đáp ứng một phần: khối u giảm kích thước, nồng độ chất chỉ điểm khối u CEA trong máu bệnh nhân giảm xuống 0,99 ng/ml, nằm trong giới hạn bình thường (trước điều trị: 7,24 ng/ml). Hạch cổ phải giảm kích thước xuống 4 x 7mm, không phát hiện hạch cổ trái.
Thời điểm | Hình ảnh tổn thương phổi | Chú thích |
8/2021 | Khối u kích thước 17 x 13 mm. Nhóm hạch cạnh phế quản, hạch lớn nhất kích thước 10 x 7 mm. Hạch dưới carina kích thước khoảng 12 x 11 mm. | |
7/2023 | Khối u kích thước 15 x 12 mm. Hạch cạnh phế quản kích thước 9 x 5 mm. Hạch dưới carina kích thước khoảng 8 x 7 mm. |
Thuốc đạt hiệu quả với thời gian sống thêm của bệnh nhân lên đến 3 năm và chưa phát hiện tác dụng không mong muốn.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IIIb và IV, những bệnh nhân có đột biến xóa đoạn exon 19 trên gen EGFR được điều trị với Afatinib thì có thời gian sống thêm dài hơn đáng kể so với những bệnh nhân tương tự được điều trị bằng hóa trị liệu.
Tài liệu tham khảo
- Viet Nam – International Agency for Research on Cancer. Globocan. March 2021. Accessed September 30, 2023. https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf.
- Molina JR, Yang P, Cassivi SD, Schild SE, Adjei AA. Non-small cell lung cancer: epidemiology, risk factors, treatment, and survivorship. Mayo Clin Proc. 2008;83(5):584-594. doi:10.4065/83.5.584
- Chan BA, Hughes BG. Targeted therapy for non-small cell lung cancer: current standards and the promise of the future. Transl Lung Cancer Res. 2015;4(1):36-54. doi:10.3978/j.issn.2218-6751.2014.05.01
- Yang JC, Wu YL, Schuler M, et al. Afatinib versus cisplatin-based chemotherapy for EGFR mutation-positive lung adenocarcinoma (LUX-Lung 3 and LUX-Lung 6): analysis of overall survival data from two randomised, phase 3 trials. Lancet Oncol. 2015;16(2):141-151. doi:10.1016/S1470-2045(14)71173-8
- Goss GD, Cobo M, Lu S, et al. Afatinib versus erlotinib as second-line treatment of patients with advanced squamous cell carcinoma of the lung: Final analysis of the randomised phase 3 LUX-Lung 8 trial. EClinicalMedicine. 2021;37:100940. Published 2021 Jun 18. doi:10.1016/j.eclinm.2021.100940